Thứ Ba, 16 tháng 11, 2010

Các thầy cô giáo nghĩ gì khi nhận phong bì của sinh viên?

Tôi biết, sẽ có rất nhiều khó khăn, trắc trở với mình trên con đường “tìm kiếm sự minh bạch cho bản thân tôi” nhưng điều quan trọng là tôi có niềm tin. Tôi tin “xã hội sẽ trong sạch nếu từng thành viên trong xã hội đó trong sạch”.

Nguồn:

Các thầy cô giáo nghĩ gì khi nhận phong bì của sinh viên?


Từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông cho đén đại học, “tham nhũng” đang ngày một lấn lướt. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài, tivi, chúng ta không còn ngạc nhiên với các bài viết như “Lớp chọn cũng phải sạch” (báo Dân trí), hay “Con học lớp chọn, mẹ cũng phải đua theo” (báo Dân trí) và còn vô số các bài báo khác. Trước một bối cảnh xã hội như vậy, thanh niên chúng ta – những chủ nhân tương lai của đất nước có thể và sẽ làm gì để đối phó với vấn nạn này.

Hồi tháng 7/2009, Trung tâm sống và học tập vì Môi trường và Cộng đồng Việt nam (Live&Learn) đã thực hiện một dự án “Xã hội minh bạch và bền vững nằm trong tay thế hệ trẻ” (dự án đoạt giải trong Ngày sáng tạo Việt Nam 2009).

Trước khi dự án được thực hiện, Live&Learn có thực hiện một cuộc khảo sát về sự quan tâm của thanh niên Hà Nội về vấn đề tham nhũng và kết quả là chỉ có 6% số thanh niên được hỏi không chấp nhận tham nhũng (trong khi đó con số ở Thuỵ Điển là trên 70%), số phần trăm còn lại thì đồng ý hoặc coi đó là một lẽ đương nhiên của cuộc sống, xã hội.

Sau một năm dự án được thực hiện, vào tháng 7/2010 Live&Learn tiếp tục thực hiện một cuộc khảo sát với chủ đề tương tự cho thanh niên. Kết quả lần này là trên 20% số thanh niên được hỏi không đồng ý với tham nhũng.

Thoạt nhìn, chúng ta có thể thấy được sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức cũng như trong cách nhìn nhận của thanh niên về vấn nạn tham nhũng. Nhưng các bạn hãy tự hỏi, liệu những con số đó đã phản ánh toàn bộ vấn đề?

Là một sinh viên ngồi trên ghế giảng đường đại học, hàng ngày hàng giờ tôi đang phải chứng kiến, phải đối đầu với vấn nạn tham nhũng. Dường như “văn hóa lót tay”, “văn hoá phong bì” là một xu hướng mới của sinh viên đại học Việt Nam.

Từ năm học đầu tiên trên ghế đại học, từ những môn học đầu tiên của những năm đại học, chúng tôi đã thực hiện hành vi “đi thầy” mỗi dịp thi giữa kì và cuối kì. Cho tới tận năm thứ hai, hành vi đó tôi vẫn coi như là một sự phổ biến của xã hội bây giờ và tôi chưa từng suy nghĩ băn khoăn vì hành động “đóng tiền” cho lớp trưởng để “đi thầy”. Có chăng chỉ là đôi lần số lượng môn thi nhiều và tôi phải đóng nhiều thì đôi lúc trong đầu tôi cũng xuất hiện cụm từ “ôi, tốn kém quá’.

Còn bây giờ là sinh viên năm thứ ba, cách nhìn nhận vấn đề của tôi đã hoàn toàn thay đổi. Tôi thấy mình đã trưởng thành, bản lĩnh hơn rất nhiều và đặc biệt là “dám đứng lên nói chính kiến của bản thân mình”.

Vào tháng 11 tới này, lớp tôi sẽ có một môn thi hết kì và theo lời lớp trưởng là “lớp tôi cũng sẽ không là ngoại lệ vì các anh chị khoá trước cũng “đi thầy””.

Thực sự khoá học Cracking Class 2010 với chủ đề “Xã hội minh bạch và bền vững nằm trong tay thế hệ trẻ” đã thay đổi con người tôi rất nhiều. Trong buổi họp lớp về vấn đề đi hay không, tôi đã mạnh dạn đứng lên nói rõ quan điểm của mình, đó là “một sự không công bằng trong xã hội. Nhiều bạn ngày đêm miệt mài học tập, kết quả cuối cùng cũng như những bạn không khi nào học tập gì cả.

Thứ hai đó là một xu hướng xấu trong xã hội. Các khoá trước đã làm, khoá mình cũng làm và rồi các thế hệ đàn em, con cháu chúng ta cũng sẽ làm. Như vậy, bao giờ vấn nạn đó mới chấm dứt. Hơn nữa, các bạn sẽ vui vẻ khi mình được điểm cao nhờ hành vi đó chứ ?”.

Điều khiến tôi buồn nhất không phải là cả lớp tôi quyết định “đi thầy” ngoại trừ tôi mà là tôi chưa thể khiến các bạn thay đổi cách nhìn nhận vấn đề, tôi chưa thể là một “change agent” (tác nhân thay đổi). Nhưng dù sao đi chăng nữa, tôi đã thay đổi chính bản thân mình, thay đổi để bản thân mình trong sạch và minh bạch.

Và như các bạn đều biết, hậu quả của một người không theo số đông ở Việt Nam. Đúng vậy, tôi cũng nhìn thấy những ánh mắt “cô lập” của các bạn trong lớp với bản thân mình, tôi không nhìn thấy sự ủng hộ từ các bạn trong lớp tôi.

Nhiều lúc, tôi cảm thấy rất nặng nề mỗi khi tới lớp vì tôi thấy mình như đang bị tách khỏi môi trường lớp tôi. Nhưng trên hết, ý nghĩ “chùn bước, hay cũng đi theo các bạn” chưa bao giờ xuất hiện trong đầu tôi. Câu nói “nếu muốn thế giới thay đổi, hãy thay đổi từ chính bản thân bạn”, đó chính là sự động viên tinh thần lớn đối với tôi.

Một điều đáng buồn hơn nữa là, tôi còn bị các bạn “trù dập” vì hành động “không đi thầy” của mình. Các bạn trong lớp tôi viết trong “phong bì” với dòng chữ “cả lớp đi, trừ bạn…”.

Và dĩ nhiên tên tôi sẽ nằm trọn vẹn cùng dòng chữ “trừ bạn”. Tôi biết, sẽ có rất nhiều khó khăn, trắc trở với mình trên con đường “tìm kiếm sự minh bạch cho bản thân tôi” nhưng điều quan trọng là tôi có niềm tin.

Tôi tin “xã hội sẽ trong sạch nếu từng thành viên trong xã hội đó trong sạch”. Đó chính là sợi kim chỉ nam giúp tôi mạnh mẽ bước trên con đường và những giá trị mà tôi lựa chọn.

theo giaothuongtructuyen.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét